Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016
Ngày 1/7/2016, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực. Từ đây, việc quản lý TN&MT biển theo hướng tổng hợp, thống nhất chính thức được luật hóa và được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường biển, đảo.
* Thế nào là tính tổng hợp trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo?
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo với phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.
Tính tổng hợp trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo được thể hiện trên 3 phương diện.
Một là tổng hợp theo tính hệ thống. Nghĩa là mỗi vùng biển được coi là một hệ thống tài nguyên thống nhất, được quản lý theo phương thức không cắt rời, chia nhỏ hay xem xét các thành phần của nó một cách riêng biệt để đảm bảo tính toàn vẹn; đồng thời, xem xét vùng biển là hệ thống tương tác giữa tự nhiên và xã hội, giữa các yếu tố sinh học và phi sinh học.
Hai là tổng hợp theo chức năng. Theo đó, mỗi vùng biển là một hệ thống nhiều chức năng, cần được xem xét sử dụng cho phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống, tiểu hệ thống trong vùng.
Và tổng hợp về phương thức quản lý là phương thức quản lý theo chiều dọc (các cấp) và chiều ngang (các bên liên quan) để đảm bảo tính đa ngành, đa cấp; đồng thời, phải có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và hành động quản lý.
Quản lý tổng hợp TNMT biển, đảo đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực
* Việt Nam đã áp dụng phương thức quản lý tổng hợp
Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo không phải là hoàn toàn mới ở Việt Nam. Ngay từ năm 2000, tại Đà Nẵng đã thực hiện dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ. Từ năm 2000 tới năm 2006, Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng bờ thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên - Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác này tiếp tục được triển khai trên diện rộng theo Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 từ năm 2007.
Ngày 06/3/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Ngày 21/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII cũng đã thông qua Luật biển Việt Nam, trong đó tại chương Phát triển kinh tế biển đã quy định một số công cụ để quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như: Quy hoạch sử dụng biển, giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên…
Và Luật TNMT biển, hải đảo có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã thể chế hóa một cách rõ ràng về phương thức quản lý này.
* Nguyên tắc quản lý tổng hợp biển, hải đảo
Luật TNMT biển, hải đảo đã bám sát mục tiêu nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Do vậy, Luật chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Điều đó sẽ tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong Luật TNMT biển, hải đảo quy định ghi nhận các nguyên tắc, chế định rất mới như: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quyền tiếp cận của người dân với biển, nghiêm cấm các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn.
Bởi việc quản lý tổng hợp không phải là thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành nên xét về trách nhiệm, Luật chỉ rõ: “Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo đối với các loại tài nguyên cụ thể đã được quy định và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành (như pháp luật về thủy sản, khoáng sản, dầu khí, du lịch…); trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cũng được quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường”.
Luật này chỉ tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng; giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo để bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp.
(Theo Bộ TNMT)