Với tốc độ kinh tế phát triển một cách “chóng mặt” như hiện nay thì vấn nạn ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng và là đề tài đang được quan tâm trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đâu là nguyên nhân?
Ô nhiễm không khí tức là sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch hoặc gây ra sự tỏa mùi, có mùi khó chịu, giảm tầm nhìn xa (do bụi).
Nguyên nhân gây ra chủ yếu là do các hoạt động công nghiệp của con người như quá trình đốt nhiên liệu thải ra rất nhiều khí độc đi qua các ống khói của các nhà máy vào không khí. Do bốc hơi, rò rỉ, thất thoát trên dây chuyền sản xuất sản phẩm và trên các đường ống dẫn tải. Nguồn thải của quá trình sản xuất này cũng có thể được hút và thổi ra ngoài bằng hệ thống thông gió. Các ngành công nghiệp chủ yếu gây ô nhiễm không khí bao gồm: nhiệt điện; vật liệu xây dựng; hoá chất và phân bón; dệt và giấy; luyện kim; thực phẩm; Các xí nghiệp cơ khí; Các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nhẹ; Giao thông vận tải; bên cạnh đó phải kể đến sinh hoạt của con người.
Ngoài ra một phần lớn chính từ nguồn khói thải từ các phương tiện giao thông và các hoạt động đốt củi, than đá để đun nấu trong nhà.
Tình trạng báo động tại Việt Nam
Ông Jacques Moussafir, chuyên gia người Pháp cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng tại một cuộc hội thảo về cải tạo chất lượng không khí và giao thông đô thị đã khẳng định: “Tại các đô thị lớn ở Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những thành phố ô nhiễm không chỉ nhất Đông Nam Á mà còn cả châu Á”.
"Theo một nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe."
Trên cơ sở tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (Air Quality Index- AQI), nếu mức độ sạch của không khí từ 150-200 điểm thì đã bị coi là ô nhiễm, từ 201-300 thì coi là cực kỳ cấp bách, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP HCM, chỉ số trong ngày lúc nào cũng ở mức 152-156. Còn vào giờ giao thông cao điểm phải lên tới gần 200.

Hình ảnh Hà Nội chìm trong khói bụi (Ảnh: Internet)
Ông Jacques Moussafir cho biết, số điểm nói trên cho thấy một trong những tình trạng ô nhiễm là lượng bụi PM10 (bụi khí) cao gấp 4 lần mức khuyến cáo của WHO. Mà bụi PM10 lại là loại hạt vỡ cỡ rất nhỏ, bay lơ lửng trong không khí, có thể xuyên qua các loại khẩu trang để lọt vào và đọng lại trong phổi, gây bệnh về đường hô hấp cho người hít phải.
Còn ở Hà Nội, theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Đây là tỷ lệ quá cao so với các khu vực khác trong cả nước, bởi Hà Nội và TP.HCM được nhận định là hai thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất.

Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người dân. (Ảnh: internet)
Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới vì số xe máy được sử dụng làm phương tiện. Người ta đã thống kê, hiện nay trên toàn quốc đã có 37 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô. Tuy nhiên, đó mới là những xe đã đăng ký, còn những xe chưa đăng ký nhưng vẫn lưu hành thì chưa kể (xe máy). Điều đó đồng nghĩa với việc lượng phát thải khí độc từ phương tiện được coi là chính ở Việt Nam rất… khủng khiếp, khác hẳn với những quốc gia phát triển trên thế giới.

Khí thải từ xe máy cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể cho các thành phố lớn (ảnh: Internet)
Ông Jacques Moussafir cảnh báo: “Với mức độ ô nhiễm hiện nay và tốc độ tăng số lượng phương tiện giao thông cá ở mức khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ôtô, nồng độ bụi ở Hà Nội sẽ có khả năng tăng lên hơn 200mg/m3, gấp 10 lần khuyến cáo của WHO”.
Bên cạnh giao thông, sinh hoạt gia đình với hình thức đun nấu bằng than, củi, xây dựng, hoạt động của các khu công nghiệp cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nếu ở Hà Nội, dùng bếp than tổ ong để đun nấu với lượng tiêu thụ trung bình 2kg than/ngày, tức 50-60kg than/tháng thì lượng khí thải của tất cả những gia đình sử dụng hình thức đun nấu này cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay.
Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người dân đặc biệt tại những khu đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM. Trước vấn đề này chúng ta cũng một phần tìm ra hướng giải quyết bằng cách đang xây dựng hệ thống đường cao tốc để giảm số lượng giao thông bằng xe máy. Tuy nhiên do là một nước công nghiệp đang phát triển, kinh tế còn nhiều hạn hẹp thì tình trạng giảm phát thải khí nhà máy và nâng cao đời sống nhân dân bằng bếp điện thay than củi vẫn còn nhiều nan giải.

Khí thải từ xe máy là nguyên nhân làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở TP.HCM.
Hệ lụy khôn lường đến sức khỏe con người
Các khí gây ô nhiễm chính như CO, SO2 … gây đau đầu chóng mặt, ngất xỉu, tổn hại đến tim mạch, kích thích mạnh đối với mắt, da và các màng cơ, niêm mạc, đường khí quản
Đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nhất liên quan đến ô nhiễm không khí. Những năm gần đây, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh…
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng là tác nhân hàng đầu gây ung thư. Ngày 17/10/2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người. Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) ngày 16/10/2013 cũng tuyên bố rằng ô nhiễm không khí là một nguyên nhân dẫn đến gây ung thư, cùng với những tác nhân nguy hiểm khác được biết đến như amiăng (một loại khoáng chất tự nhiên thường được sử dụng trong xây dựng), thuốc lá và bức xạ tia cực tím.
Ô nhiễm không khí cũng là tác nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu, những cơn mưa acid độc hại, hiện tượng phú dưỡng hóa, suy giảm tầng ô zôn, mất cân bằng sinh thái…