Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Thực hiện Luật đa dạng sinh học năm 2008, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) đã được xây dựng và thông qua tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là lần đầu tiên Quy hoạch này được xây dựng và việc ban hành văn bản này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Với bản chất của quy hoạch là xác định về không gian các đối tượng cần quy hoạch, Quy hoạch này đã xác định các đối tượng sau theo 8 vùng địa lý, bao gồm: hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học.
Để xây dựng Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã có những quan điểm, cách tiếp cận cũng như tổ chức thực hiện một cách khoa học để xây dựng Quy hoạch. Về quan điểm, cách tiếp cận xây dựng: cơ quan soạn thảo xác định đây là một văn bản mới và khó vì các đối tượng quy hoạch chưa rõ ràng, nhiều đối tượng đã nằm trong các quy hoạch khác hoặc chưa có trên thực tế, ví dụ như cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã có cách tiếp cận theo hướng kế thừa tối đa những quy hoạch và kết quả thực hiện trước đó nhằm làm rõ đối tượng nào cho mục đích bảo tồn, đối tượng nào giành cho mục đích khác (ví dụ mục đích chuyên ngành về lâm nghiệp hay thủy sản). Về tổ chức thực hiện: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Quy hoạch. Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã chỉ đạo, định hướng và xây dựng chi tiết Quy hoạch thông qua các cuộc họp. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các Hội thảo tham vấn địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã gửi văn bản xin ý kiến các tỉnh về hồ sơ Quy hoạch.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
Quan điểm xây dựng Quy hoạch
Kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ và các hình thức bảo tồn khác nhằm bảo đảm hiệu quả công tác bảo tồn, tính thống nhất và phù hợp với điều kiện của từng vùng trên phạm vi cả nước, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan đa dạng sinh học.
Thống nhất theo các tiêu chí của Luật đa dạng sinh học trên cơ sở phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của hệ thống các khu bảo tồn rừng đặc dụng, biển, vùng nước nội địa hiện có.
Bảo đảm an toàn đa dạng sinh học, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.
Tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt với các nước có chung biên giới.
Mục tiêu tổng quát: Bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu cụ thể đến 2020:
Xác định và khoanh vùng bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ trên phạm vi cả nước.
Rà soát, thống nhất sắp xếp hệ thống các các khu bảo tồn hiện có và đề xuất nghiên cứu để từng bước thành lập và đưa vào hoạt động 46 khu bảo tồn mới, đưa tổng số các khu bảo tồn hiện có và được quy hoạch thành lập mới trên cả nước đạt 219 khu.
Rà soát và nâng cấp hệ thống 26 các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Thành lập và đưa vào hoạt động 04 hệ thống hành lang đa dạng sinh học tại các vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ.
Định hướng đến năm 2030:
Tiếp tục phục hồi diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia; không ngừng hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn để bảo tồn có hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen quý hiếm; đẩy mạnh, đa dạng hoá và hoàn thiện hệ thống các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; mở rộng, thành lập thêm và vận hành có hiệu quả các hành lang đa dạng sinh học đã được đề xuất nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ anh ninh – quốc phòng và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học
Giai đoạn đến năm 2020:
Vùng Đông Bắc: Bảo vệ và phục hồi 15% diện tích các hệ sinh thái rừng phòng hộ lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Gâm; các kiểu rừng trên núi đá vôi; sinh cảnh của các loài linh trưởng quý, hiếm. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Khôi phục 2.000 ha diện tích rừng trên núi đá vôi (Cao Bằng và Hà Giang). Thành lập và đưa vào hoạt động 6 khu bảo tồn mới, nâng tổng số khu bảo tồn lên 42 khu. Nâng cấp và thành lập 3 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh. Thành lập và đưa vào hoạt động 1 hành lang đa dạng sinh học.
Vùng Tây Bắc: Bảo vệ rừng ở các đai cao trên 1.500m, bảo vệ và phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt các loài cây thuốc quý. Thành lập và đưa vào hoạt động 2 khu bảo tồn mới, nâng tổng số khu bảo tồn lên 17 khu. Nâng cấp, thành lập 2 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Bảo vệ, phục hồi 30.000 ha rừng ngập mặn tự nhiên; các vùng đất ngập nước tự nhiên quan trọng. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Thành lập và đưa vào hoạt động 7 khu bảo tồn mới, nâng tổng số khu bảo tồn lên 18 khu. Nâng cấp, thành lập 8 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng Bắc Trung Bộ: Bảo vệ và duy trì 15% diện tích hệ sinh thái rừng nguyên sinh; rừng phòng hộ lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Gianh; rừng ngập mặn ở vùng ven biển; rừng nhiệt đới thường xanh, núi thấp và trung bình; kiểu rừng trên núi đá vôi của Thanh Hoá và Quảng Bình. Bảo vệ các sinh cảnh của các loài thú, chim đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Phục hồi 50% diện tích hệ sinh thái các đầm phá Tam Giang, Cầu Hai. Thành lập và đưa vào hoạt động 7 khu bảo tồn mới, nâng số lượng khu bảo tồn lên 28 khu. Nâng cấp, thành lập 2 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng Nam Trung Bộ: Bảo vệ và phục hồi 15% diện tích các hệ sinh thái rừng phòng hộ lưu vực sông Cái, sông Côn, sông Đà Rằng, Sông Ba, sông Trà Khúc, sông Thu Bồn; rừng ngập mặn ở vùng ven biển; các khu rừng giàu đa dạng sinh học giáp vùng Tây Nguyên; các sinh cảnh, các loài thú lớn và cảnh quan đẹp ven biển. Bảo vệ, phục hồi 15% diện tích hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển. Phục hồi 50% diện tích hệ sinh thái các đầm Thị Nại, Trà Ổ, Cù Mông, Ô Loan, Nha Phu. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Thành lập và đưa vào hoạt động 8 khu bảo tồn mới, nâng số lượng khu bảo tồn lên 30 khu. Thành lập và đưa vào hoạt động 3 hành lang đa dạng sinh học.
Vùng Tây Nguyên: Bảo vệ và duy trì 15% diện tích hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng của Tây Nguyên. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Thành lập và đưa vào hoạt động 3 khu bảo tồn mới, nâng số lượng khu bảo tồn lên 19 khu. Nâng cấp, thành lập 3 trung tâm cứu hộ động vật.
Vùng Đông Nam Bộ: Bảo vệ và duy trì 15% diện tích hệ sinh thái rừng nguyên sinh; các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển; phục hồi 50% diện tích hệ sinh thái Đầm Nại; các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng tràm tại Cần Giờ; sinh cảnh của các loài thú lớn nguy cấp, quý, hiếm như tê giác, bò tót, voi. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Thành lập và đưa vào hoạt động 4 khu bảo tồn mới, nâng số lượng khu bảo tồn lên 15 khu. Nâng cấp, thành lập 6 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững 30.000 ha rừng ngập mặn tự nhiên; 15% diện tích hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển; các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng tràm. Bảo vệ các sinh cảnh của các loài chim quý. Bảo vệ các vùng chim quan trọng. Thành lập và đưa vào hoạt động 9 khu bảo tồn, nâng số lượng khu bảo tồn lên 30 khu. Nâng cấp, thành lập 1 trung tâm cứu hộ động vật.
Định hướng đến năm 2030
Trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện quy hoạch đến năm 2020 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đa dạng sinh học cũng như mở rộng, bảo vệ, phục hồi các đối tượng của quy hoạch gồm: hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học.

Giải pháp thực hiện quy hoạch
Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc lập dự án thành lập các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học phù hợp quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; nghiên cứu xây dựng cơ chế phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn.
Tăng cường hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, trong đó chú trọng thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương; trong hệ thống khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.
Điều tra, xác định các vùng có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tổn thương, bị suy thoái để có kế hoạch bảo vệ và phục hồi. Tập trung các vùng có tiềm năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Tăng cường nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái trong công tác quản lý các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học, đối với việc thực hiện quy hoạch.
Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước, đặc biệt chú trọng các nước có chung biên giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học.
Bảo đảm kinh phí để xây dựng quy hoạch chi tiết và thành lập 46 khu bảo tồn mới, 26 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và 4 hành lang đa dạng sinh học đến năm 2020; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật và hoạt động quản lý khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học.
Ngoài những nội dung nêu trên còn có 04 phụ lục sau: Danh mục các khu bảo tồn quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Danh mục cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Danh mục các hành lang đa dạng sinh học quy hoạch đến năm 2020 và năm 2030; Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện Quy hoạch.
Để triển khai hiệu quả Quy hoạch, trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung sau đây:
(1) Tập trung triển khai 06 chương trình, dự án ưu tiên, gồm: Quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn mới theo quy định của Luật đa dạng sinh học; Triển khai kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Quy hoạch chi tiết các hành lang đa dạng sinh học tại vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ; Đào tạo, tăng cường năng lực thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ người dân sống hợp pháp trong khu bảo tồn, vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Điều tra, nghiên cứu phân vùng sinh thái và đánh giá không gian về đa dạng sinh học phục vụ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
(2) Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh trên cơ sở quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
(3) Hướng dẫn địa phương thành lập các khu bảo tồn mới.
(Theo VEA)